Phát vốn vi tín dụng ở Mỹ Long – Cao Lãnh, tháng 12/2009

Thứ năm, 11 Tháng 2 2010 20:59 Quản trị viên
In

 
Chuyến về phát vốn vi tín dụng ở Mỹ Long – Cao Lãnh của AVNES vào ngày 13/12/2009 vừa qua đã diễn ra thật tốt đẹp, lần này có thêm sự tham dự của anh chị Lương Huỳnh Ngân (vốn là bác sĩ ở Paris trước đây, nên anh Ngân về cùng AVNES để tìm hiểu những vấn đề về vệ sinh và y tế ở Mỹ Long).  

Sau đây là bản báo cáo của đại diện tại Việt Nam của AVNES.

Nha Chi Van


Vi tín dụng:

Các chị trong Hội Liên Hiệp Phụ Nữ (HLHPN) xã Mỹ Long cùng Chị phụ trách Khối Văn Xã cũng đã đề cập đến nghề trồng nấm vốn đã được các nơi khác ở Cao Lãnh phát triển, nhưng dân Mỹ Long còn e dè vì ngại không có chỗ bán ra. Chị phụ trách Khối Văn Xã cho rằng trồng nấm rơm là thiết thực, vì như thế dùng được luôn cả rơm tích luỹ sau mùa gặt. Chị cho biết có thể liên lạc và yêu cầu huyện Lê Dung gần đấy giúp đỡ, dạy nghề, nếu có những gia đình muốn thử theo nghề trồng nấm.


Bảo trợ Vi tín dụng:

HLHPN đã đưa cho AVNES danh sách 12 gia đình được tuyển cho chương trình bảo trợ. HLHPN đã dựa theo tình trạng sinh sống, khả năng làm việc, và một điều kiện khác nữa là trình độ học vấn của chủ gia đình và con cái họ. Sở dĩ có điểm cuối cùng này là do AVNES yêu cầu họ phải có khả năng trao đổi thư từ với người bảo trợ. Nói chung, các hộ được chọn trước đây không dư dả nhưng đã cố gắng cho con đi học, có hộ có con vào đại học hay đi học nghề. Nhưng nay họ lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn, không đủ vốn để tiếp tục làm ăn vì đã gặp thua lỗ trong thời gian vừa qua và không vay mượn được. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiền học cho các con.
 

Nha Chau Giau


Chúng tôi đã đi vào các ấp, đến tận nhà thăm 3 gia đình:


- Một gia đình có 3 con (chị Vân, ấp 4), đứa lớn nhất phải bỏ học vì cha mẹ không đủ tiền. Buổi sáng hôm chúng tôi đến thăm thì chị Vân đi sinh đứa con thứ tư, trong khi người chồng phải trông cá cho người khác để kiếm tiền. Dân trong các ấp sâu xa này vẫn không biết cách ngừa thụ thai. Theo chị Thu Hà, chủ tịch HLHPN, vợ chồng chị Vân ao ước được giúp vi tín dụng để theo nghề nuôi vịt. 

- Một gia đình khác có con gái đầu đang học nghề, cô thứ nhì học trung học, đứa em gái mới 6 tuổi nhưng rất có năng khiếu về vẽ. chúng tôi đã chụp một tranh cắt dán của cháu. Căn nhà họ ở có mái tôn, vách ván đạm bạc..

- Một gia đình nữa (chị Yến) làm ăn thua lỗ, hiện nay gặp khó khăn. Họ cần vốn mở mang vườn trồng ổi để có thể nuôi con ăn học.
 

Nha Chi Yen



Nước sạch, Y tế:

Chúng tôi đã hỏi thông tin theo lời dặn của Ban chấp hành AVNES ở Paris: dòng sông chảy qua xã Mỹ Long là một nhánh nhỏ của Tiền Giang, tên là sông Ông Củng. Nguồn nước bị ô nhiễm phần chính là do dân tưới nước trừ sâu, rồi xả xuống sông. Để có nước dùng, dân bơm nước lên hồ, lọc phèn. Thuốc dùng để lóng nước không được cung cấp đầy đủ.

Bây giờ đang mùa khô, chúng tôi đi dọc sông thấy mực nước cạn lắm, chỉ lên tới bụng là cùng. Khi được hỏi tại sao không dùng nước mưa, dân quanh đấy bảo có hứng nước mưa vào lu cũng chỉ dùng tạm thời, vì không thể có đủ lu để tích trữ nước xài suốt mùa khô. Hơn nữa lăng quăng sinh sản rất mạnh trong nước mưa (là nguyên nhân lây truyền bịnh sốt xuất huyết trong 6 mùa mưa – LTS).

Người dân có đào giếng sâu hơn 300m, nhưng nguồn nước vẫn chưa đủ tốt.

Nhà dân các ấp nghèo đã có lu đựng nước (nhà tình thương của AVNES xây tặng chị Bích Liên cũng có vài lu nhỏ đựng nước trước cửa. Chúng tôi đã đến thăm gia đình này. Căn nhà xây có tường gạch, mái tôn. Bếp thì còn bằng gạch thô, chưa hoàn tất. Tuy nhiên đồ đạc trong nhà rất sơ sài, thiếu thốn. chúng tôi có tặng anh chị ấy một số tiền để mua thuốc). Dân có tiền hơn thì xây hồ. Nói chung, theo đối tác địa phương cho hay : chỉ có xây nhà máy lọc nước sạch hay có thuốc để lóng phèn mới hiệu quả.

Hiện nay ở Mỹ Long có 1 bác sĩ công, làm việc ở trạm y tế, khám miễn phí cho những người dân có bảo hiểm y tế, đa số là dân rất nghèo. Ngoài ra có 5 bác sĩ tư, là bác sĩ của tỉnh, huyện về đây khám ngoài giờ. Người không có bảo hiểm trả 20.000 đồng mỗi lần đến khám bệnh.

Phòng vệ sinh của các trường tiểu học:

Tại Mỹ Long hiện có 4 truờng tiểu học và tiểu học-mẫu giáo. 3 trong 4 trường không có phòng vệ sinh cho thầy giáo và học trò. Hai hiệu trưởng đã có mặt trong buổi họp để trình bày vấn đề với AVNES.

1/ Trường tiểu học Mỹ Long B, trong trung tâm xã, với hơn 500 học sinh. Hiện nay chính phủ cho tiền xây thêm 15 lớp học, nhưng tiền tài trợ dành cho xây phòng vệ sinh chỉ có 42 triệu đồng. Số tiền này quá ít để thực hiện việc xây một gian nhà với số phòng vệ sinh đáp ứng được nhu cầu.

2/ Trường tiểu học-mẫu giáo ở ấp 3, với 120 học trò, nhưng từ xưa đến giờ chưa hề có phòng vệ sinh. Thầy cô và các em tự động tìm nơi giải quyết chung quanh trường. Bây giờ trường chỉ được tài trợ 13 triệu đồng để xây, nên việc này khó thực hiện.

3/ Trường tiểu học Xẻo Mác, ấp 4, hơn 200 học sinh, chưa có nhà vệ sinh, đã được một ngân sách là 28 triệu. Hiệu trưởng trường đã cho chúng tôi xem bản thiết kế nhà vệ sinh (với bản vẽ này, kinh phí ước lượng là 50 triệu). Các đại diện AVNES đều thấy cách thiết kế ấy cần phải được xem lại. bác sĩ Ngân đề nghị nhờ người vẽ lại cho hợp lý hơn, rồi sau khi bản vẽ mới được các bên đồng ý thì đối tác của AVNES ở Mỹ Long và hiệu trưởng trường sẽ kêu nhà thầu thi công cho giá.

Tóm lại, nếu AVNES giúp thêm kinh phí để xây các nhà vệ sinh cho 3 trường này thì Uỷ ban xã Mỹ Long sẽ lo việc xin phép/hành chính, còn HLHPN cùng Khối Văn Xã, hiệu trưởng các trường phụ trách tìm người báo giá và thi công. Chúng tôi nghĩ chúng ta cũng có thể đề nghị nhóm thi công xây dựng rồi cùng lựa chọn. 
 

Tủ sách:

HLHPN và Khối Văn xã cùng các gia đình có mặt đều thấy lập một tủ sách giáo khoa, y học thường thức, kiến thức tổng quát, văn học, giáo dục gia đình là thiết thực. Đặc biệt phụ nữ VN nói chung và phụ nữ VN ở Cao Lãnh nói riêng hiện nay rất quan tâm đến vấn đề bạo lực trong gia đình và cần được hiểu biết thêm.

Họ đề nghị đặt tủ sách ấy ở Trung tâm Học tập Cộng đồng (TTHTCĐ) là nơi dân Mỹ Long đến họp mỗi khi xã có những buổi thông tin, học tập. Chúng tôi đã đề nghị thêm : Để cho những người dân ở các ấp xa lại nghèo nên không có phương tiện di chuyển đến tận nơi mượn sách thì mỗi ấp cử người đại diện đem danh mục các sách về cho dân để họ chọn, rồi đến TTHTCĐ mượn và trả sách giùm, theo định kỳ.
.
 
Sau cùng, những chương trình phải tiếp tục đào sâu:

- Việc xây nhà vệ sinh cho các trường học thật cấp bách. Tuy nhiên có một điều cần lưu ý là ngân sách tài trợ phía VN phải sử dụng trong năm 2009. Chúng tôi có nhờ các hiệu trưởng và Khối Văn Xã gửi đơn yêu cầu cho gia hạn tài trợ đến năm 2010.

- Chuyện tủ sách, làm thế nào tìm sách cho Mỹ Long? và dự định kinh phí đóng tủ, mua sách. 

- Về nước sạch, anh Lương Huỳnh Ngân cho biết sẽ trở lại Mỹ Long vào tháng 1/2010 cùng với một người bạn đã từng thực hiện chương trình nước sạch ở VN để tìm hiểu thêm vấn đề này cho Mỹ Long.


Mai Ninh

 

Cập nhật ngày Thứ năm, 11 Tháng 2 2010 21:07