Những chiếc xe đạp nghĩa tình

Thứ hai, 21 Tháng 12 2009 04:54 Quản trị viên
In

 

TTO - Mùa hè vừa qua, Hội thiện nguyện AVNES (www.avnes.org) ở Paris đã quyết định xuất bản  DVD và CD đôi Hội trùng dương, ghi lại tất cả những bài hát đã được các ca sĩ  Ái Vân, Đức Tuấn và Lệ Quyên trình bày trong buổi chiều văn nghệ từ thiện Hội trùng dương ở ngoại ô Paris vì những gia đình nông dân nghèo túng của huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

 

Xe đạp và những quả bóng cho học sinh vùng sâu vùng xa - Ảnh: Trần Văn Thọ cung cấp

Bên cạnh những thành quả khích lệ về mặt tài chính đã được chuyển về hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp của huyện Cao Lãnh, có một mẩu chuyện "bên lề sân khấu" khá cảm động mà chúng tôi xin được phép ghi lại nơi đây.

Câu chuyện bắt đầu với một "trục trặc kỹ thuật" trong quá trình làm DVD và CD đôi: do cách sản xuất thủ công rất nghiệp dư của những người không chuyên, một đầu máy vi tính đã bị cháy sau nhiều đêm miệt mài sang thu đĩa. Hội AVNES đã quyết định trích số tiền 140 euro đền bù cho nhà sản xuất thiện nguyện Trần Văn Thọ để có phương tiện tiếp tục đóng góp không công sau này.

Số tiền "bồi thường" này đã được anh Thọ - một Phật tử Việt kiều ở ngoại ô nam Paris -  mua bốn chiếc xe đạp do VN sản xuất góp chung với 56 chiếc khác do bạn bè gửi tặng để chở về cho những học sinh nghèo hiếu học ở miền Trung.

Dưới đây là lá thư (trích) của anh Trần Văn Thọ gửi chúng tôi:

Ở Huế trời đang mưa, mưa thối đất và lạnh, lạnh thấu xương. Xin gửi đến các bạn vài hình ảnh sưởi ấm lòng người: những chiếc xe đạp lộng lẫy của AVNES gửi tặng bốn em học sinh nghèo. Tất cả các em học sinh của một lớp bầu một em xứng đáng nhất để được món quà quý này: nhà nghèo, ở xa trường (các em đi bộ 7-15km) và nhất là học hành chăm chỉ.

Số là với số tiền mà AVNES đã gửi, tôi đã mua được bốn chiếc xe đạp do VN sản xuất với phụ tùng Nhật, rất tốt và đẹp, đủ màu xanh xanh đỏ đỏ cho bốn em rất nghèo ở trường trung học ngập nước cách Huế 16km. Bốn xe đạp của AVNES cộng với 56 xe đạp của bà con bạn bè, tổng cộng là 60 chiếc xe đạp.

Ở Huế, tôi tìm những trường xa thành thị, thường thì tôi đi với một người biết rõ trường học mình muốn giúp, nếu không biết thì đến chùa trong làng hỏi các sư thầy. Tôi đi mua, trả giá, lựa chọn xe đạp và thuê xe chở đến các trường học. Sau đó, để công bằng, tôi xin thầy hiệu trưởng tổ chức bầu trong lớp, chọn một em xứng đáng nhất.

Gặp gỡ và trao quà cho các em, đó là những giây phút sung sướng và thật cảm động. Có nhiều em khóc khi thấy thầy hiệu trưởng giới thiệu hoàn cảnh gia đình mình. Có nhiều hiệu trưởng rưng rưng nước mắt làm mình cũng rưng  rưng! Tôi có cảm tưởng ít khi trường học được những món quà như vậy.

Tôi nghĩ đến mùa khai trường sang năm...

Nhận lá thư này, chúng tôi không khỏi cảm kích tấm lòng của một người tha hương, ra đi đã hơn 50 năm mà vẫn luôn nghĩ đến quê nhà.

Paris, ngày 28-11-2009
MINH GIANG

 

Nguồn : http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=350334&ChannelID=312

Cập nhật ngày Thứ hai, 21 Tháng 12 2009 15:35