Từ đồng bằng sông Cửu Long đến cao nguyên Lâm Đồng

Thứ ba, 30 Tháng 7 2013 06:46 Quản trị viên
In

 

 

Từ đồng bằng sông Cửu Long đến cao nguyên Lâm Đồng

 

Để bắt đầu chương trình hoạt động 2013, một nhóm gồm có các đại diện của AVNES tại Việt Nam và vài thân hữu của hội đã thực hiện 3 chuyến đi Bến Tre, Đồng Tháp và Bảo Lộc trong hai tháng 3 và 4 năm nay. Đấy là những địa điểm mà AVNES đã dựng hai đề án chính cho dân nghèo : Vi tín dụng (VTD) và Sản xuất khí sinh học (Biogaz) từ phân heo.

 

Bến Tre : xã Thành An và xã Vĩnh Hoà – ngày 20/3/2013

Thành An – huyện Mỏ Cầy Bắc:

Từ cuối năm 2010 (đợt 1) cho đến hết 2012 (đợt 5), 90 hộ dân ở xã Thành An đã được vay vốn VTD - AVNES. Đa số dùng vốn mua phân bón làm vườn, trồng lúa hay nuôi heo, gà vịt; một số ít để mở cửa hàng tạp hoá nhỏ. Sau chu kỳ 2 năm, đợt 1 đã đáo hạn vào cuối 2012 và đạt được kết quả khả quan với tỉ lệ hoàn vốn là 96%. Cùng với VTD, hội AVNES đã cung cấp 10 hệ thống sản xuất biogaz cho các hộ nuôi heo ở Thành An vào tháng 4/2012.

Nhân chuyến đi Bến Tre vào tháng 3 này, chúng tôi đã đến thăm một số gia đình được cấp biogaz và/hay được VTD của hội.

Tại nhà anh Cao Văn Hoàng Nhựt ở ấp Đông An, chuồng heo được giữ gìn tốt. Gia đình anh cho biết họ có dư biogaz để đun nấu cho cả nhà, bếp núc sạch sẽ hơn nhiều và tiết kiệm đáng kể tiền mua than củi mỗi tháng. Được biết, với một bó củi giá 100.000 đồng chỉ đun trong vài ngày là hết.

 



Hộ chị Nguyễn Thị Lan Trinh, ấp Đông Trị, ngoài nuôi heo, để lấy công làm lời chị Trinh còn nhận nuôi thêm bò cho người khác, nhằm nâng cao nguồn lợi tức cho gia đình. Biogaz nhà chị đáp ứng đủ nhu cầu đun nấu. Tuy nhiên, các đại diện của AVNES thấy đường ống dẫn phân heo vào túi phân giải biogaz bị hở ở đầu vào, nên đã yêu cầu họ sửa chữa lại, đồng thời bảo quản hệ thống kỹ lưỡng hơn.

Khi đến thăm nhà anh Nguyễn Văn Lanh, ấp Đông Lợi, chúng tôi được chứng kiến thêm một hiệu quả khác của biogaz. Hiệu quả ấy có được nhờ sự quan tâm và làm việc tích cực của gia đình anh Lanh. Ngoài nấu nướng bằng chất khí này, họ còn chịu khó vớt bùn cặn đã đọng lại sau phản ứng tạo biogaz. Họ đem bùn ấy phơi khô, xong bỏ vào bao (xem ảnh bên dưới) để dành dùng làm phân bón cho cây dừa. Phân bón tự nhiên đó vừa hiệu quả vừa không gây mùi hôi cho không gian sinh sống của gia đình cùng hàng xóm.



Vĩnh Hoà – huyện Chợ Lách:

Sau khi rời Thành An, các đại diện của AVNES đã sang xã Vĩnh Hoà, một điểm VTD và Biogaz mà AVNES đã thành lập từ đầu từ năm 2012. Cho đến nay, Vĩnh Hoà đã được 34 phần vốn VTD (đợt 1 và 2) và 11 hệ thống Biogaz- AVNES. Đa số các hộ VTD ở Vĩnh Hoà đã chọn nghề trồng cây kiểng hay làm vườn.

Trong chuyến đi vào tháng 3 năm nay, chúng tôi đã đến gặp 3 gia đình VTD thuộc đợt 2, mới được cấp vốn vào cuối tháng 11/2012. Qua quan sát thực tế và trao đổi với họ, các đại diện AVNES nhận thấy những gia đình này đã dùng tiền vốn để đầu tư vào đúng hoạt động kinh tế mà họ chọn khi xin vay. Điều đáng khích lệ là cả 3 hộ tỏ ra tích cực làm ăn, chịu khó khắc phục hoàn cảnh.
Người đầu tiên là chị Nguyễn Thị Mỹ, ấp Đông Kinh. Chị sống trong một căn nhà vách tôn nhỏ hẹp, chênh vênh cạnh vệ đường. Vì không có đất, nên chỗ trồng cây cảnh để bán của chị cũng ở sát bờ lộ, nóng bức và nhiều bụi bặm hơn những vườn cây khác. Với vốn được vay chị đã mua những gốc cây nhỏ như bông giấy, hoa sứ…về trồng trong chậu. Lúc trước, do không có tiền chị đã đi làm mướn và nhân đó học được nghề trồng cây cảnh. Bây giờ, chị tự an ủi là dù đời sống, công việc vẫn rất khó khăn, vất vả nhưng chị đã có được những chậu cây của riêng mình.

 

Vợ chồng anh Huỳnh Văn Tài, ấp Hoà Thọ, hiện sinh sống trên mảnh đất mà khi anh cưới vợ cha mẹ đã chia cho. Một manh đất hẹp, một căn nhà nhỏ thô sơ, tường chưa đủ tiền trét xi-măng, một đứa con 5 tuổi. Vợ anh Tài cho biết, với số vốn 7 triệu, chị đã trích ra 1 triệu để đóng học phí học nghề xoay chậu (chế tạo các chậu đất nung hay tráng men để trồng/đựng cây kiểng). Phần còn lại dùng mua cây giống về trồng. Chị vui vẻ khoe tấm bằng tốt nghiệp khoá học của mình và hài lòng là không những biết thêm nghề, chị còn tiết kiệm được tiền mua chậu cho cây, một chi phí đáng kể.



Cuộc gặp gỡ cuối chuyến đi Bến Tre với chị Nguyễn Thị Hiền, ấp Phú Quới- Vĩnh Hoà, đã để lại nhiều quan ngại cho chúng tôi. Đã có những điều thật không may xảy ra cho chị Hiền trong thời gian 3 tháng đầu vay vốn, nhất là về mặt kinh tế. Khi được cấp VTD, chị Hiền đã mua một đàn gà vịt khoảng 60 con về nuôi. Nhưng chẳng được mấy ngày thì chúng bị bệnh, trong chốc lát đàn gia cầm của chị chết gần hết, chỉ còn lại 6 con. May là chị chưa dồn hết vốn vay vào đó nên còn chút tiền để tiếp tục nghề mua bán ve chai của mình trước đây. Mua 3 ngàn đồng, bán lại 4/5 ngàn, nên chị có thể cầm cự, không làm mất hết vốn đã vay. Chị Hiền cho biết chị luôn cố gắng làm việc kiếm tiền nuôi con, nhất quyết không chịu thua sự nghiệt ngã của đời sống.

 

Đồng Tháp : xã Mỹ Long – Tp Cao Lãnh – ngày 22/3/2013

Sáng ngày 22/3, hai đại diện và ba thân hữu của AVNES đã lên đường đi Cao Lãnh để phát VTD- đợt 9 cho 19 gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo hay gặp khó khăn thiếu vốn ở xã Mỹ Long. Tính đến nay, 149 hộ đã được vay vốn kể từ thời điểm chương trình VTD được thành lập vào đầu năm 2009. Ngoài ra, AVNES đã trang bị hệ thống biogaz cho 15 gia đình nông dân nuôi heo ở xã này.

Bốn trong chín đợt đã đáo hạn sau chu kỳ 2 năm. Vào giữa tháng 3 vừa qua là đến lượt đợt 5, với 98% hộ vay vốn đã trả đầy đủ cả vốn lẫn lời. Điều nên nhấn mạnh thêm một lần nữa là sau khi hoàn vốn, tất cả các gia đình này vẫn còn tiền để tiếp tục công việc làm ăn đang có, chứ không phải quay về với trạng thái thiếu thốn buổi đầu.

Phái đoàn chúng tôi đã đến thăm 6 hộ dân thuộc hai đợt 6 và 7, họ đã được vay vốn trên dưới một năm. Ba hộ trong số ấy vừa được VTD vừa được AVNES cung cấp biogaz.

Chị Nguyễn Thị Tho, ấp 4, cho biết với 7 triệu tiền VTD gia đình chị đã mua 2 con heo nái cùng một ít thức ăn cho chúng. Sau đó, 2 heo nái sinh 20 heo con. Để bớt tiền thức ăn nuôi heo ngày càng tăng mạnh, gia đình chị Tho đã bán ngay heo con chứ không để nuôi lớn thành heo thịt. Chị được lời từ 7 đến 8 triệu đồng cho mỗi lứa heo con bán đi như thế (thời gian giữa 2 lứa là khoảng 4 tháng).

Ba gia đình kế tiếp dùng VTD để nuôi heo và đã được trang bị Biogaz : hộ của các chị Lâm Thị Chá- ấp 3, Nguyễn Thị Dậm- ấp 4 và anh Lê Văn Thống- ấp 2. Chuồng heo từ 10 đến 15 con của họ cung cấp dư khí sinh học cho nhu cầu hằng ngày. Đoàn AVNES đến thăm thấy hệ thống biogaz của gia đình chị Chá và anh Thống được bảo quản tương đối đàng hoàng. Riêng ở hộ chị Dậm thì khác hẳn với nhà anh Thống, túi phân giải không có gaz và có trạng thái xấu, như đã bị bỏ bê một thời gian. Đại diện AVNES đã yêu cầu chị Dậm giải thích. Chị cho biết là vừa bán hết heo và đang chờ mối bán cho chị loại heo con thuộc giống tốt hơn, nên tạm thời hệ thống biogaz đang ngừng hoạt động. Đại diện AVNES đã lên tiếng về chuyện này với đối tác địa phương là Hội Liên Hiệp Phụ Nữ xã Mỹ Long và yêu cầu họ lưu ý đến sự việc.

 

Ngoài các hộ nuôi heo kể trên, chúng tôi đã đến nhà hai anh Nguyễn Thanh Sơn - ấp 1 và Huỳnh Cao Trí- ấp 4 thuộc diện các hộ gặp khó khăn. Anh Sơn cho biết là do cả hai vợ chồng anh cùng bị bệnh, không làm việc nặng được nên họ dùng vốn VTD để buôn bán nước giải khát. Riêng anh Huỳnh Cao Trí chọn nghề nuôi cá bột (mới đẻ) trong ao cho đến khi chúng lớn thành cá con mới đem bán. Để thực hiện việc nuôi cá, anh Trí cho biết cùng với 7 triệu vốn VTD, anh đã phải vay thêm 1 triệu nữa với lãi suất rất cao, khoảng 7% mỗi tháng (lãi suất của AVNES là 0,65%). Để có thêm thu nhập, chị Trí đan giỏ bằng dây lục bình do chị tự phơi, mỗi ngày nếu đan 3 cái thì được khoảng 80.000 đồng.




Trước khi rời Mỹ Long, chúng tôi dừng lại bên cây cầu khỉ chênh vênh nối hai phần ấp 4. Một vài chị phụ nữ sinh sống bên kia đã sang bên này cầu, có chị cõng cả con nhỏ trên lưng. Theo họ, nửa ấp 4 bên ấy còn nghèo hơn nơi chúng tôi đến thăm, nhưng sự giúp đỡ của địa phương vẫn quá giới hạn.

 

Lâm Đồng: thôn Đạ Nghịch - xã Lộc Châu - Tp Bảo Lộc - ngày 06/04/2013

Khi biết 20 hộ thuộc đợt 1 của Chương trình Vi tín dụng cho thôn Đạ Nghịch, khởi đầu trong tháng 11/2012, đã nhanh chóng thực hiện các hoạt động kinh tế với nguồn vốn được vay, AVNES đã quyết định mở rộng chương trình này.
Vào ngày 6/4 vừa qua, 20 gia đình dân tộc thiểu số khác trong thôn đã được cấp VTD. Các hộ đợt 2 ấy đều thuộc diện nghèo. Họ sẽ dùng phần lớn tiền vốn mua phân bón trồng cà-phê và trà, số còn lại để mua chỉ dệt thổ cẩm.

Sau phát vốn, chúng tôi đã ghé thăm các gia đình VTD- AVNES đợt 1, cư ngụ tại 6 khu khác biệt. Thường thì trong một gia đình, vợ và chồng cùng nhau đến rẫy chăm sóc vườn cây từ sáng sớm và trở về nhà lúc giữa chiều. Sau đó cho đến tối, vợ dệt vải còn chồng đan gùi hay đi làm công thêm cho các gia đình khá giả hơn quanh vùng.

 

Sáu hộ này cho biết họ có khoảng từ 3 sào đến 1 mẫu đất. Do quá thiếu thốn, họ không thể thay những cây cà-phê đã trồng từ bao năm bằng loại giống mới, tốt và có năng suất cao hơn. Vạn sự đành trông nhờ vào phân bón và tuỳ thuộc thời tiết.

Riêng về nghề dệt, dân Châu Mạ ở thôn Đạ Nghịch có tay nghề cao, các phụ nữ chuyên dệt các tấm khăn dùng trong tang lễ để liệm thi thể người thân. Thường đến tháng 11 vào mùa cà-phê, bán được tiền, người dân thiểu số mua khăn liệm để dành sẵn trong nhà. Vải liệm ở thôn Đạ Nghịch được xem là đẹp nhất. Tuy phải mất mấy tuần để dệt xong một tấm, khi bán ra được lời chỉ khoảng 200.000 đồng và số người mua khăn bị giới hạn trong phạm vi người dân tộc với nhau, nhưng vì yêu nghề và quyết tâm giữ gìn truyền thống nên - theo lời chị Ka Sông trong hình dưới đây- đa số phụ nữ ở Đạ Nghịch vẫn chọn dệt loại này.

 

Lấy kinh nghiệm từ Bến Tre và Đồng Tháp, đại diện AVNES cũng đã trao đổi với các chị trong Hội Phụ Nữ của xã Lộc Châu và của riêng thôn Đạ Nghịch về việc khuyến khích dân làng học hỏi thêm một số ngành nghề khác. Nhất là nếu theo khảo sát sơ khởi, có hi vọng chúng sẽ thích hợp với tình hình địa phương, có thể tạo thêm công ăn việc làm, đem lại lợi nhuận khá hơn. Chẳng hạn: nuôi thỏ, may gia công, đan chổi… Đại diện AVNES cũng nhấn mạnh là hội có thể đài thọ những chuyến đi học nghề và tổ chức tập huấn cho những người dân muốn/cần học hỏi thêm. Hai Hội Phụ Nữ cho biết sẽ chú tâm và bàn thảo về các đề nghị này, tuy rằng theo họ, người dân thiểu số thường không muốn hay không dám thay đổi, sợ phiêu lưu, nên họ có khuynh hướng bám chặt vào ngành nghề của cha ông để lại.

Nói chung, các chuyến đi từ miền đồng bằng lên đến cao nguyên trong mùa xuân này của các đại diện và thân hữu AVNES cho thấy tình trạng kinh tế của các hộ dân nằm trong chương trình VTD và Biogaz -AVNES đã được cải thiện ít nhiều, khả quan hơn. Những hộ có biogaz có thể tiết kiệm khoảng 400.000 đồng tiền chi phí đun nấu mỗi tháng cho gia đình, tương đương với thu nhập hằng tháng của một nông dân thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, đấy chỉ là một khúc đường ngắn, cũng có thể rất ngắn, trên con đường dài họ phải lao lực vượt qua để đạt được một đời sống tương đối ổn định, có cơm ăn áo mặc và để cho con cái có thể tiếp tục học hành.



Đại diện AVNES ở VN
tháng 4, 2013.
Hình ảnh của Nguyễn Đức Anh.

 

Cập nhật ngày Thứ năm, 02 Tháng 1 2014 11:15