Thăm và phát vốn vi tín dụng lần thứ 6 và thứ 7 cho nông dân nghèo của tỉnh Bến Tre

Thứ hai, 20 Tháng 5 2013 08:38 Quản trị viên
In


Các anh chị và các bạn thân mến,

Chúng tôi xin được thân chuyển đến các anh chị và các bạn báo cáo của hai đại diện AVNES tại Việt Nam về một chuyến đến thăm và phát vốn vi tín dụng cho nông dân nghèo ở hai xã của tỉnh Bến Tre, do  hai hội HOPE-MiFi (www.my-hope.org) và hội AVNES (www.avnes.org) đồng tổ chức.

Ngày 26/11/2012, một đoàn trong đó có chị Kiều Nga đại diện hội HOPE-MiFi, chị Mai Ninh và anh Nghĩa đại diện hội AVNES đã đến thăm xã Vĩnh Hòa - huyện Chợ Lách và xã Thành An - huyện Mỏ Cầy Bắc của tỉnh Bến Tre. Trong suốt chuyến đi, chị Kiều Nga đã đặt nhiều câu hỏi với đại diện AVNES về tình hình địa phương, cách làm việc của AVNES và của Hội Phụ Nữ các xã. Chị rất quan tâm đến tình trạng sinh sống và các hoạt động kinh tế của các hộ vay vốn vi tín dụng.

Phát vốn vi tín dụng

Nói chung, ở Vĩnh Hòa cũng như Thành An, việc phát vốn đã diễn ra tốt đẹp. Anh Nghĩa chủ trì việc ký kết và phát 20 phần vốn thuộc đợt 5 ở Thành An, còn chị Mai Ninh cùng chị Kiều Nga thì đảm nhiệm phát vốn cho 14 hộ của đợt 2 tại Vĩnh Hòa.

Hai nhóm đến nhận vốn ở các xã này được khuyến khích phát biểu, nên một số chị đã mạnh dạn cho biết cảm nghĩ hay trả lời những câu hỏi của các đại diện.

Thăm các hộ vi tín dụng và biogaz

Sau khi phát vốn, đoàn đã đến tận nhà thăm một số hộ vi tín dụng (VTD) và biogaz một cách ngẫu nhiên không định trước, ở các ấp khác nhau.

Vĩnh Hòa

Đoàn đã đến thăm một hộ vừa ký nhận vốn chuyến này để trồng cây kiểng, và hai hộ được vay vốn Đợt 1 cách đây 10 tháng.

Riêng hai hộ Đợt 1 đã chọn nuôi heo thì họ vẫn sinh hoạt bình thường, tuy cũng bị vấn đề giá heo giảm đáng kể trong mấy tháng qua ảnh hưởng tới :

1. Hộ chị Nguyễn Thị Hai, khi được cấp vốn đã dùng 2,5 triệu đồng mua hai heo nái nhỏ, còn lại mua thức ăn cho chúng, cho đến nay chị đã phải trả 6 triệu cho kinh phí này.

2. Hộ chị Huỳnh Thị Minh Khoa đã vay tiền nuôi heo, nhưng sau đó thấy hơi khó khăn nên chuyển ngay sang hoạt động khá : Với 7 triệu đồng vốn VTD  chị đã mua 2 máy may (7,5 triệu cho 2 cái) về may và vắt sổ quần áo (cơ sở đặt may giao cho chị Khoa chỉ và vải đã cắt sẵn; chị Khoa lắp ráp, may thành áo). Chị cho biết từ khi có máy may để làm việc tại nhà thì đời sống chị ổn định hơn nhiều. Mỗi ngày chị có thể vừa lo chuyện nhà cửa, chăm con cái, nuôi heo… vừa may quần áo. Một ngày chị có thể kiếm trung bình 50.000 đồng từ công việc ấy. Chồng chị thì vẫn đi bán trái cây thu thêm lợi tức.

Chị Khoa vay VTD mua máy may về may và vắt sổ quần áo tại nhà

Đây là một thí dụ điển hình cho thấy nếu người dân quê có khả năng và phương tiện để có thể đa dạng hoá ngành nghề thì dễ kiếm sống hơn, đúng như AVNES đã từng nhấn mạnh trong Đề án vi tín dụng của hội.

Thành An

Chiều ngày 26/11, phái đoàn đến xem tình hình sinh sống của 2 hộ xin tái vay (chị Cao thị Mai và chị Nguyễn Thị Lệ, thuộc Đợt 1 vừa đáo hạn).

Cả hai gia đình đã cho biết lí do xin tái vay : Do mấy lần đúng lúc heo của họ tới kỳ xuất chuồng (lúc heo cân đủ nặng để đem bán) thì ngoài thị trường giá heo sụt nhiều quá. Hiện giờ hai chị Mai và Lệ vẫn còn heo nuôi trong chuồng nhưng nếu phải hoàn vốn thì họ phải bán hết số heo hiện có, hơn nữa số tiền còn lại sau khi trả vốn sẽ không đủ dùng đầu tư tiếp. Mặt khác số heo đang nuôi chưa tới lúc xuất chuồng. Vì thế, họ cần xin vay thêm một chu kỳ nữa.

Chiều hôm ấy, đoàn đã ghé thăm hai hộ được AVNES cấp biogaz vào tháng 5/2012 và được biết là gia đình họ đun nấu hoàn toàn bằng phương tiện này, rất tiện lợi và tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Chị Kiều Nga cũng nhận xét là phương pháp biogaz đã làm giảm đi nhiều mùi hôi cho môi trường chung quanh.

Chị Lê Thị Thắm, chủ tịch Hội Phụ Nữ, đã xác nhận là các hộ được cấp biogaz còn lại đều hoạt động tốt, số heo trong chuồng luôn trên mức cần thiết để sản xuất đủ khí méthane dùng đun nấu.

Túi phân giải tạo Biogaz của hộ chị Lệ - Thành An

Nhân dịp đoàn đến nhà chị Cao Thị Mai, đợt 1 xin tái vay, chị Thắm đã trình bày hoàn cảnh đặc biệt của gia đình chị Mai với đứa con trai 24 tuổi bị mù cả hai mắt, câm và điếc ngay từ lúc chào đời. Trước tình cảnh ấy, chị Thắm nhờ các đại diện của AVNES chuyển đến ban điều hành hội ở Paris nhu cầu xin trích ra một số tiền từ tiền lãi Vi tín dụng ở Thành An để giúp gia đình chị Mai lo cho đứa con khuyết tật.

Sáng ngày 27/11, chị Kiều Nga cùng chị Mai Ninh tiếp tục đi thăm thêm một số hộ vi tín dụng thuộc Đợt 1 tại Thành An. Các hộ này đã hoàn vốn, trả lãi đầy đủ và có thể tự tạo công việc làm ăn.

1. Hộ chị Nguyễn Thị Bé Tám, nuôi heo, chuồng heo hiện giờ của chị có vừa heo nái vừa heo con. Từ khi bán heo có lời, chị đã dùng tiền lãi ấy để mua cọng cây về phơi khô rồi bó thành chổi (loại chổi chà). Với 20 cây chổi làm trong một ngày chị kiếm thêm được khoảng 40.000 đồng cho hôm ấy.

Gđ chị Bé Tám dùng tiền lời từ nuôi heo mua cọng dừa về bó chổi

2. Hộ chị Trần Thị Dung cũng giống trường hợp chị Bé Tám nói trên. Ngoài nuôi heo chị Dung còn nhận dây lục bình phơi khô về đan thành những cái giỏ hay sọt tương đối lớn, đẹp và cứng cáp cho một cơ sở tại Bến Tre đặt đan để xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy cơ sở xuất khẩu trả tiền công đan chẳng bao nhiêu, nhưng chị Dung cũng kiếm được trên dưới 50.000 ngàn đồng/ngày.


Chị Dung đan giỏ bằng dây lục bình

3. Hộ anh Nguyễn Văn Thoa là một thành công đáng lưu ý hơn nữa. Từ một gia đình cận nghèo, lúc mượn VTD anh tính nuôi bò nhưng sau đổi ra nuôi heo. Thấy không lời mấy, anh bán heo lấy tiền lãi mua cọng cây về bó chổi như trường hợp chị Bé Tám. Hai vợ chồng anh rất chăm chú vào công việc này và đã biết cách phát triển nó nhanh chóng. Nên sau 2 năm vay vi tín dụng, đầu tư vào nghề bó chổi, gia đình anh Thoa không những thoát nghèo mà còn lập được một loại “xí nghiệp” nhỏ trong gian nhà với khoảng sân rộng lợp tôn, tạo công việc cho 14 phụ nữ trong xã. Họ tới đó bó chổi mỗi ngày ăn lương. Khách hàng mua chổi của anh là các cơ sở bán sỉ ở Hà Nội.

Anh Thoa - VTD đợt 1 - Thành An

Trước cơ  sở làm chổi của anh Thoa

Gia đình anh Thoa đã tạo công ăn việc làm cho 14 phụ nữ trong xã

Cả 3 hộ vay vốn nuôi heo hay bò kể trên đã làm thêm một nghề thứ hai và có thu nhập khá hơn. Họ cho biết là nếu không có nguồn vốn của AVNES làm bước đầu thì gia đình họ không được như bây giờ, nếu phải đi vay nơi khác sẽ bị lãi suất quá cao, họ không kham nổi.

Tưởng cũng cần nhắc lại là 18 trên 20 hộ (90 %) của Đợt 1 Vi tín dụng ở xã Thành An đã hoàn vốn đầy đủ, dúng hạn, và họ đang tiếp tục làm ăn, chăn nuôi một cách tự lập, không cần sự trợ giúp của một đoàn thể nào nữa.

Vui mừng trước thành quả của những người nông dân siêng năng cần cù ấy, và thay lời kết, chúng tôi xin phép được chuyển đến các anh chị và các bạn lời chia sẻ thân tình của chị Kiều Nga của hội HOPE MiFi (Maryland- Hoa Kỳ) sau chuyến đi :
"Các chuyến đi thăm viếng những gia đình vừa nhận vi tính dụng kỳ này cùng các gia đình đã thành công và đã trả tiền lời lẫn tiền vốn cho hội AVNES là một kinh nghiệm hiếm có trong đời Nga. Chứng kiến sự thành công của hội AVNES trong việc giúp đỡ gia tăng đời sống của các gia đình nghèo này làm cho Nga thật cảm động và tự nguyện sẽ cố gắng xin tiền để giúp đỡ cho nhiều gia đình nghèo nữa trong tương lai’’

Tháng 12/2012,
AVNES.

 

Cập nhật ngày Thứ hai, 20 Tháng 5 2013 09:08