Vi tín dụng cho người dân tộc Mạ tại Bảo Lộc

Chủ nhật, 09 Tháng 12 2012 08:59 Quản trị viên
In

 

Ngày 3/11/2012, chúng tôi, một nhóm 7 người, với sự hướng dẫn của chị Mai Ninh, đại diện hội AVNES tại Việt Nam, đi Bảo Lộc phát vi tín dụng cho một số gia đình thuộc dân tộc Châu Mạ. Trong nhóm, có người cư ngụ ở Việt Nam, có người từ Mỹ và Pháp về thăm quê hương.

Được biết AVNES đã thực hiện nhiều đề án vi tín dụng giúp người nghèo, nhưng đây là lần đầu tiên đối tượng giúp đỡ là những gia đình người thiểu số. Có lẽ ở những nơi như Bảo Lộc, những người này còn gặp nhiều khó khăn hơn người kinh.

Đề án lần này thực hiện ở thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Bảo Lộc đã từ thị xã trở thành thành phố năm 2010, dân số là 153 000 người, tỷ lệ người thiểu số là 2,33%. Xã Lộc Châu có 15 thôn, thôn Đạ Nghịch có nhiều dân thiểu số nhất (dân tộc K'Ho và Châu Mạ), cũng là thôn nghèo nhất. Trong số 250 hộ của thôn Đạ Nghịch, có 25 hộ được coi là nghèo và 50 hộ cận nghèo, tổng cộng 30%. Những con số chính thức này không chừng cần được tăng lên đề gần sự thật hơn.

Sáng sớm, đúng giờ hẹn, đã có khoảng 7-8 chiếc xe máy đến khách sạn chúng tôi, để từ đó chuyên chở đoàn trên những con đường làng. Cái vui là những chiếc xe này do một đoàn « nữ kỵ mã » trẻ lái. Những cô gái người Mạ rất dễ thương này sẽ tháp tùng chúng tôi cho đến giữa chiều, kể cả trong phần du lịch ở cuối chương trình. 

Do không có trụ sở của Hội Phụ Nữ gần thôn Đạ Nghịch, nên chúng tôi đã được các sơ dòng tu « Nô Tỳ của Chúa » ở xã Lộc Châu cho nhờ nhà sinh hoạt của họ để các hộ đến nhận vốn vi tín dụng không phải đi xa. Tất cả đại diện của các gia đình nhận giúp đỡ đều đã chờ sẵn. Phần lớn là những phụ nữ trẻ, có cô còn bồng bế đứa con mới sinh. Phần ký kết hợp đồng đã diễn ra giữa chị đại diện của AVNES, anh phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lộc Châu, và chị Ka Thuỳ, đại diện Hội Phụ Nữ thôn Đạ Nghịch. Ngoài ra, còn có sơ Nga và chị chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ xã Lộc Châu. Chị Ka Thùy đảm nhận vai trò hỗ trợ tại chỗ 20 hộ được vốn vay ban đầu.


Từng gia đình nhận tiền vay, kiểm lại tiền và ký biên nhận

Cuộc giao lưu sau đó giản dị và vui vẻ, chị Mai Ninh giải thích rõ ràng ý nghĩa của việc làm, và cử tọa không ngại đặt thắc mắc và góp ý. Tiền vay được anh Nghĩa, một đại diện khác của AVNES trong nước, trao trực tiếp cho từng gia đình. Có người lăn dấu tay thay chữ ký vào biên nhận, và có người còn lạ lẫm với tờ 500 ngàn đồng.

Người Mạ có nghề dệt thổ cẩm được công nhận là nghề truyền thống. Nhưng vì thiếu tiền mua chỉ (giá chỉ tăng quá nhanh) và thiếu nguồn tiêu thụ nên hiện giờ nhiều người đã phải bỏ nghề hay chỉ còn đan dệt cầm chừng, không thể triển khai và thực hiện các mẫu mã mỹ thuật hơn. Họ đành quay ra trồng cà-phê trên những diện tích nhỏ kiếm được, và đi làm công ở những vườn trà và cà-phê của người kinh. Đa số những gia đình được AVNES cho vay vốn sẽ dùng vốn này mua phân bón cho cà-phê mình trồng.


Đến thăm một gia đình ở thôn Đạ Nghịch

Sau cuộc gặp gỡ tại nhà sinh hoạt Công giáo, chúng tôi đã đi đến thăm nơi sinh sống của một vài gia đình thôn Đạ Nghịch. Những khoảng sân đất có những tấm thảm to phơi hột ca-phê, nằm trước những căn nhà một căn lụp xụp và chật chội. Một chị đã đem ra những sản phẩm thổ cẩm, có những chiếc váy thêu tay mất cả 2-3 tháng, và chúng tôi đã được xem qua kỹ thuật thêu dệt.

Chương trình chấm dứt bằng phần tham quan và ăn trưa tại trung tâm du lịch Dambri. Cả một không gian thiên nhiên rậm cây cối, với 2 thác Dasara và Dambri đẹp hơn cả những thác ở Đà Lạt.

Tôi có đóng góp cho AVNES ở Pháp, nhưng chưa là một thành viên tích cực, và đây là lần đầu « đi thực tế » hoạt động xã hội. Nên tôi càng phục chị Mai Ninh đã dựng đề án cho Đạ Nghịch và lo chu đáo mọi chuyện tổ chức cho chuyến đi này. Hình ảnh tôi mang về là những nụ cười trên những khuôn mặt đậm xám và khắc khổ. Những nụ cười quý giá ở một vùng đất chưa được một mức sống đàng hoàng.

Vũ Văn Luân.
Tháng 11 2012.


Cập nhật ngày Chủ nhật, 09 Tháng 12 2012 09:02