AVNES

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size
Trang chủ Hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo ở Mỹ Long-Cao Lãnh (2009-2015) Vi tín dụng đợt 7 giúp dân nghèo xã Mỹ Long

Vi tín dụng đợt 7 giúp dân nghèo xã Mỹ Long

Email In PDF.

 

Trời tháng 4 ở Đồng Tháp năm nay oi bức vô cùng, mưa không đến nổi, trong khi một trận khá lớn ập xuống Sàigòn cuối buổi chiều, lúc chúng tôi về tới thành phố. Nghĩ cho cùng cũng may, nhờ không mưa ở Mỹ Long nên chúng tôi đã có thể ghé thăm một vài gia đình, trong đó có một nuôi heo khá đặc biệt và trò chuyện lâu với họ, nhân chuyến đi lần này.

Nhưng trước đó là buổi phát vốn vi tín dụng AVNES, đợt 7, cho 10 hộ mới và 2 hộ cũ - thuộc đợt 3 vừa đáo hạn. Hai chị chủ hộ xin tái vay tên Cẩm Vân và Kim Vân ấy đã có mặt.

Gia đình chị Kim Vân, ấp 2, có 5 người : chị, 1 con trai, 1 cháu gái làm thuê và 2 cháu khác còn nhỏ. Lần này chị xin vay lại vốn để bán hủ tiếu, phụ thêm với làm vườn là công việc thường xuyên.

Gia cảnh vợ chồng chị Cẩm Vân, ấp 4, với các con còn bé rất khó khăn, năm vừa qua họ nuôi vịt không thành công, do nước lụt.

Trong 10 hộ mới có 4 hộ mượn vốn để buôn bán nhỏ, 2 hộ mua phân bón cho vườn và lúa, các hộ còn lại nuôi heo, cá và vịt

 

Tình hình chung về công ăn việc làm của nông dân Mỹ Long

Thống kê mới về tình trạng dân nghèo ở Mỹ Long vừa hoàn tất, số hộ nghèo đã giảm từ 378 xuống 318 hộ, so với năm ngoái. Như vậy khoảng 16 % đã từ nghèo vượt lên cận nghèo hoặc ngay cả “thoát nghèo’’.

Hội Liên Hiệp Phụ Nữ (HLHPN) cho biết đó là một kết quả đáng mừng, vì trước đây tuy có giảm cũng chỉ khoảng 10 % một năm. Nhân đề cập đến thành quả này, HLHPN cùng các gia đình vi tín dụng có mặt đã, thêm một lần nữa, cám ơn sự giúp đỡ thiết thực của AVNES.


Chị chủ tịch HLHPN xã Mỹ Long nói về vi tín dụng và cám ơn AVNES đã góp phần vào việc giảm nghèo cho xã

Các gia đình trồng cây ăn trái ở xã Mỹ Long thì năm nay không gặp may mắn : trồng nhãn thì bị thất mùa vì hoa chưa kịp nở đã bị bệnh chổi rồng (ngọn hoa cong lại như đầu rồng, không đậu trái), còn trồng xoài lại bị xuống giá rất nhiều. Đi trên con lộ chính của Mỹ Long, chúng tôi thấy người ta đổ bao nhiêu đống xoài ra lề đường để bán rẻ.

Riêng heo nuôi tại Mỹ Long đã qua kiểm tra về chất tạo nạc vốn từng gây lo lắng cho người ăn thịt heo trong mấy tháng vừa rồi. Kết quả cho thấy không có chất ấy trong heo nuôi tại Mỹ Long nên giá bán heo của xã không bị hạ nhiều lắm.

Trong số 12 hộ vay vi tín dụng lần này, có hộ anh Huỳnh Cao Trí nuôi “cá bột”, tức là từ trứng nuôi thành cá con, khi chúng bằng 2 ngón tay mới bán cho người mua về để nuôi lớn rồi sau bán ở chợ. Được biết nuôi cá bột hiện là một hoạt động có thể đem lại lợi nhuận khả quan. Nuôi ếch cũng cho kết quả rất tốt, tuy vốn đầu tư lên tới 40 triệu đồng cho một công trình, nhưng sau một kỳ (khoảng 2 tháng rưỡi) ếch lớn đem bán, tiền lời thu được gần bằng tiền vốn. Nếu chúng tôi nhớ không lầm, anh Đính và chị Quỳnh Châu đã cùng chúng tôi đến xem một nơi nuôi ếch như thế trong chuyến về Mỹ Long trước đây. Hiện giờ đã có 10 hộ nông dân phát triển công việc này và họ rất hài lòng.


Các nông dân đang trao đổi với đại diện AVNES về kế hoạch làm ăn của gia đình họ với số vốn được vay

 

Một trường hợp thành công đáng kể của Vi Tín Dụng

Sau phát vốn, chúng tôi đã đến thăm gia đình bà Nguyễn Thì Khoa, ấp 2 xã Mỹ Long. Bà Khoa là thành viên vi tín dụng đợt 5 (phát ngày 11/3/2011) của AVNES. Đến nơi, xem chuồng heo và trò chuyện với bà Khoa cùng hai con trai của bà, chúng tôi mới biết mình đang đứng trước một trường hợp thành công đáng kể, nhờ vào vi tín dụng và ý chí làm ăn của gia đình vay vốn, dù không thể bỏ ra ngoài yếu tố may mắn “trời thương”.

Đầu năm 2011, hoàn cảnh gia đình bà Khoa rất khó khăn: Trước đó không lâu, con trai thứ hai của bà, mà vợ đã chết vì bệnh tim và để lại một con nhỏ nay đã 3 tuổi khá èo oặt, bị tai biến mạch máu não phải đưa đi cấp cứu, trong lúc cả nhà chỉ có vỏn vẹn vài trăm ngàn đồng. Rất may bà con lối xóm đã gom góp đủ 14 triệu đồng cho vợ chồng bà mượn, trang trải tiền chữa trị và bệnh viện. Con trai bà may mắn được cứu khỏi cơn hiểm nghèo nhưng sau đó anh không đủ sức lao động như xưa.


Bà Nguyễn Thị Khoa và người con trai đã phải vào bệnh viện cấp cứu, ảnh chụp bên chuồng heo “mạt cưa” của họ

AVNES đã lên danh sách các hộ được vi tín dụng đợt 5 vào đúng thời điểm gia đình bà Khoa gặp đầy sự cố ấy, nên HLHPN đã đề nghị cấp cho họ. chúng tôi vẫn nhớ hôm lãnh vốn, bà Khoa đã mạnh dạn đứng lên phát biểu cảm nghĩ của mình. Nay, sau hơn một năm gặp lại, chúng tôi nhận ra ngay bà Khoa vẫn với dáng người nhanh nhẹn dù đã 66 tuổi. Bà và hai con đang có mặt ở nhà đã đón chào và hớn hở khoe với chúng tôi là nhờ vốn vi tín dụng mà bây giờ bà đã chẳng những trả xong nợ chữa bệnh cho con trai mà còn có một bầy heo như ý. Nhân có thời gian, chúng tôi đã hỏi han kỹ hơn quá trình nuôi heo và chi thu lời lãi như thế nào, kể từ khi bà được AVNES cho vay vốn.

Bà Khoa không ngần ngại chia sẻ mọi điều:

  1. Trước nhất, với 6 triệu đồng vi tín dụng, bà mua một con heo nái giá 4 triệu rưỡi, tiền còn lại được dùng để tu sửa lại cái chuồng có sẵn. Về thức ăn cho heo thì cửa hàng thực phẩm đồng ý bán chịu.
  2. Sau đó, heo nái này đẻ được 6 con, trong đó có một heo nái nhỏ. Như thế, cho lứa đầu tiên, sau hơn 4 tháng nuôi, bà Khoa giữ lại 2 heo nái (heo mẹ và heo con) để nuôi
    tiếp và bán đi 5 heo thịt. Bà dùng tiền bán ấy trả nợ bà con hàng xóm, trả tiền thức ăn cho heo đã mua chịu.
  3. “Trời thương” và cũng nhờ gia đình bà Khoa chăm lo heo kỹ lưỡng (ngoài mua thực phẩm bán sẵn, bà Khoa còn trồng rau lang trong vườn để trộn vào cám cho heo ăn, “cho có chất tươi” theo lời bà. Gia đình bà còn trồng rau dừa dùng chữa bệnh cho heo rất tốt), nên vào lứa kế tiếp, hai mẹ con heo nái cho bà 14 heo con, trong đó lại may mắn có một chị heo nhỏ nữa.

Bà Khoa đem bán 13 heo thịt, mỗi con nặng 100 kg. Bà bảo: vậy là lời to. Nghe giọng bà cười, chúng tôi thấy lây cái vui của gia đình ấy, nhất là lần này trong chuồng heo của họ có đủ 3 thế hệ, từ bà ngoại đến cháu gái, sẵn sàng sản xuất.


Bếp nấu cám cho heo ăn, cạnh chuồng heo nhà bà Khoa


Nhân chủ nhà đang hào hứng, chúng tôi hỏi : "Nếu bây giờ phải hoàn vốn ngay thì chị có đủ tiền trả không? Và chị nghĩ gì về vi tín dụng?“.

Bà Khoa mau mắn đáp: “Dù coi như gia đình tui mới vay được có một năm, mới qua 3 lứa heo xuất chuồng thôi, nhưng nếu cần hoàn vốn để cho người nghèo khác vay thì tui sẵn sàng, bởi vì mình đã được cứu khổ vào đúng lúc khó khăn rồi. Hiện giờ tui đủ tiền hoàn vốn mà cô. Tui đã trả hết nợ nần chữa bệnh cho con, xây được chuồng heo, lại còn vốn là 3 con heo nái cộng thêm mấy heo con đang nuôi nữa, đáng kể lắm cô à. Chuồng nuôi heo thịt đàng hoàng tử tế rồi, nhưng vì mấy con heo nái nên còn thải phân và nước dơ ra đất, ra vườn. Bởi vậy tui mong, khi nào hội mình (AVNES) giúp cho có biogaz để giữ chung quanh được sạch thì hay lắm”“

Thấy bà Khoa khoe chuồng nuôi heo thịt đàng hoàng sạch sẽ, chúng tôi muốn đi xem. Trước một chuồng heo khá rộng, có chấn song sắt, mẹ con bà Khoa giải thích : Cơ quan về môi trường đã hướng dẫn cho con trai bà xây lại chuồng theo phương pháp sau : lót nền chuồng bằng một lớp mạt cưa dầy, xong trộn vào đó một loại men có tác dụng tiêu hủy phân. Một khi phân và nước tiểu của heo bị tiêu hủy thành nước thì thấm qua mạt cưa, rồi sau đó ngấm xuống trong đất vườn. Lớp nền mạt cưa như thế luôn khô và sạch sẽ, heo tránh được bệnh tật vì không phải tiếp xúc thường xuyên với phân và nước tiểu của chúng. Đứng cạnh chuồng heo mà không thấy mùi hôi.

Tuy nhiên, chuồng mạt cưa chỉ dùng cho heo thịt, nên vẫn phải có chuồng kiểu thông thường cho heo nái. Con trai bà Khoa đã xây cho mỗi heo nái một ngăn riêng, phân của chúng và nước rửa thì thải ra sân và con rạch gần đấy. Do đó họ mới ao ước được có một hệ thống biogaz. Bà Khoa cho biết vốn xây một chuồng “mạt cưa” như thế khoảng 7-8 triệu đồng, nhưng nhà nước đã hỗ trợ 2 triệu rưỡi.


Chuồng heo có nền lót bằng mạt cưa đen của gia đình bà Khoa


Chúng tôi đã lên xe đò trở lại Saigòn cùng với niềm phấn khởi của gia đình bà Khoa. Dĩ nhiên, trường hợp của hộ này không thông thường lắm, phải kể đến vận may riêng, nhưng với họ, vi tín dụng đã đến và đóng đúng vai trò hữu ích của nó.


Mai Ninh,
Tháng 4, năm 2012.

 

Cập nhật ngày Thứ sáu, 01 Tháng 6 2012 15:14