AVNES

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size
Trang chủ Vi tín dụng, một công cụ chống đói nghèo Vi tín dụng và niềm tin ở những người nghèo

Vi tín dụng và niềm tin ở những người nghèo

Email In PDF.

Thứ Sáu, 21.10.2011 | 11:09 (GMT + 7)

Những người dân được nhận hỗ trợ của quỹ vi tín dụng mà chúng tôi gặp ở Mỹ Long (Đồng Tháp) nói đi nói lại mãi lời cảm ơn tự đáy lòng họ đối với các anh chị ở Hội AVNES (Hội Việt Nam Tương trợ và Đoàn kết).

Họ biết ơn không chỉ vì họ được hỗ trợ về tài chính, mà vì họ được tin tưởng và tìm được niềm tin vào chính mình. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất của hoạt động của Hội AVNES trong thời gian qua tại Đồng Tháp và Bến Tre.

Ông Muhammad Yunus, người khởi xướng hoạt động vi tín dụng.     Ảnh: TL
Ông Muhammad Yunus, người khởi xướng hoạt động vi tín dụng. Ảnh: TL

Hình thức vi tín dụng của Hội AVNES khác với hoạt động từ thiện ở hai điểm căn bản. Điểm thứ nhất: vi tín dụng cho vay chứ không cho, và người đi vay phải trả lãi đàng hoàng, nhưng với một mức lãi rất thấp, không đáng kể. Người dân nhận khoản tiền cho vay này sẽ có một tâm lý hoàn toàn khác với khi nhận một khoản tiền được cho: họ không phải có cảm giác chịu ơn, không phải có cảm giác được ban ơn.

Trái lại, họ được tôn trọng, vì những người cho họ vay tạo cho họ điều kiện để tự lao động, tự khẳng định năng lực lao động của mình để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Sự giúp đỡ to lớn của hoạt động vi tín dụng không phải là khoản vay nhỏ, mà là mang lại cho người nghèo niềm tin vào khả năng làm việc của họ, giúp họ phát huy lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm đối với đời sống của chính họ.

Điểm khác biệt thứ hai giữa vi tín dụng và từ thiện là: những người vay vốn được hướng dẫn các kỹ năng cần thiết trong lao động để sinh lãi từ khoản tiền nhỏ mà họ được vay. Họ học được cách tổ chức cuộc sống, cách làm chủ và sử dụng đồng tiền một cách hữu ích. Hội AVNES đúng là đã mang lại cho người nghèo cái cần câu, chứ không phải là con cá.

Chỉ với từ 5 đến 6 triệu đồng, nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo. Điều này cho thấy cách thức tổ chức quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, và rộng ra cả những cộng đồng lớn nhỏ, cả xã hội. Ta đã thấy trong thực tế, nhiều chục nghìn tỉ được chi ra một cách vô ích trong sự thất thoát đến mức xót xa. Vậy mà 5 triệu đồng có thể thay đổi nhiều số phận.

Vi tín dụng có nghĩa là những khoản cho vay với số vốn nhỏ dựa trên lòng tin cậy. Chuyện vay tiền như thế đã có truyền thống ở Châu Á, Mỹ latinh... nhưng ý tưởng lập tổ chức có hệ thống được manh nha từ ông F.W. Raiffeisen (người Đức), khi ông thành lập hợp tác xã tiết kiệm và tín dụng. Đến năm 1860, dịch vụ tài chính vi mô được mở ra ở Đức, chủ yếu trong phạm trù nông nghiệp. Trong các tổ hợp tác, người dân góp chung vốn để cho vay, trợ giúp lẫn nhau, lợi nhuận tạo ra được tái đầu tư. Bước ngoặt của vi tín dụng là khi ông Muhammad Yunus người Bangladesh lập ra ngân hàng Grameen chuyên về hoạt động này.

Việc thành lập ngân hàng được phát xuất từ chuyến đi thực tế ở Bangladesh của ông M. Yunus, sau trận đại hồng thủy gây ra nạn đói và tử vong lớn tại xứ sở này. Ông đã gặp một số phụ nữ sống trong hoàn cảnh bi đát, họ muốn có một số tiền nhỏ để tự kinh doanh, giúp gia đình vượt qua nghèo đói. Khoản vốn đầu tiên ông Yunus cho 42 người đàn bà ở đây vay là 27USD. Từ năm 1976 đến 1979, ông đã cho khoảng 500 gia đình vay vốn và vào năm 1983 thì ngân hàng Grameen ra đời. Hiện nay, Grameen có hơn 3000 chi nhánh, đến năm 2009 đã có khoảng 6,43 triệu người được vay vốn, trong đó 97% là phụ nữ, tỉ lệ thành công là 99%. Với những đóng góp như thế, ông đã được trao tặng Giải Nobel Hoà bình cùng Ngân hàng Grameen năm 2006.

Từ khi mô hình này thành công đã có nhiều tổ chức trên quốc tế áp dụng nhưng họ cải tiến để phù hợp với mỗi địa phương. Hiện nay vi tín dụng đã bành trướng ra khắp toàn cầu.

Từ Huy

 

Nguồn: Báo Lao Động (http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Vi-tin-dung-va-niem-tin-o-nhung-nguoi-ngheo/63420)

 

Cập nhật ngày Thứ bảy, 25 Tháng 2 2012 16:53