AVNES

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size
Trang chủ Vi tín dụng, một công cụ chống đói nghèo Vi tín dụng, một công cụ toàn cầu hóa công bằng

Vi tín dụng, một công cụ toàn cầu hoá công bầng

Email In PDF.


Qua việc mang lại cơ hội làm ăn cho những người nghèo nhất, các khoản vay nhỏ này góp phần bình đẳng hoá cơ hội cho tất cả mọi người.

Có nhiều người xem vi tín dụng như là một liều thần dược để chống nghèo đói, và cũng có những người chỉ nghĩ tới lãi suất cao và nguy cơ khiến người nghèo mắc nợ triền miên. Cả hai cách nhìn này không có cái nào chính xác hết.

Một mặt, cuộc chiến đấu chống nghèo đói đòi hỏi một loạt các biện pháp khác nhau tùy theo  tình hình phát triển của một nước. Những biện pháp này có thể đi từ sự quản lý quốc gia tốt lên đến các chính sách về y tế, sức khoẻ. Mặt khác, nguy cơ vướng nợ không là đặc thù của vi tín dụng và mức lãi suất không đè nặng lắm lên các khoản vay nhỏ trong một thời gian ngắn. Ví dụ, một khoản vay 2800 € trong hai năm - tương đương với các khoản vay trung bình của Hiệp Hội Vì Quyền Khởi Xướng Kinh Tế (ADIE) - tiền lãi trung bình hằng tháng là 16 € trên số tiền vốn phải trả mỗi tháng là 133 €, để đổi lấy toàn bộ các dịch vụ : vi tín dụng, và đôi khi còn có thêm tiền phụ cấp của địa phương hay một khoản vay bổ sung không trả lãi, cùng với sự đào tạo và hỗ trợ miễn phí.

Tác động trực tiếp của vi tín dụng thể hiện qua việc tạo ra một hoạt động kinh tế phát sinh lợi tức, qua sự thoát khỏi cảnh thất nghiệp hay bị gạt sang bờ lề xã hội, qua việc tạo ra công ăn việc làm. Nhưng người ta ít nói về các khía cạnh khác của loại hình cho vay này. Nếu đồng tiền thường được xem là có nhiều ý nghĩa - đó là phương tiện trao đổi, tiết kiệm, đầu tư, tài trợ -, tín dụng còn có một vai trò tâm lý và xã hội quan trọng: trao vốn tín dụng là trao tin tưởng, là góp phần vào việc xây dựng mối quan hệ xã hội với những kẻ đã bị loại ra khỏi nền kinh tế, bằng cách trả lại cho họ phẩm giá và lòng tự tin.

Nó cũng cho phép những người rơi vào cảnh nghèo, đang phải sống qua ngày, có lại hy vọng và hướng tới tương lai. Vi tín dụng có được đặc điểm hiếm hoi là một công cụ đem đến sự bình đẳng về cơ hội : không nhằm lên án sự phân phối tiền của trong hiện tại nhưng để chia sẻ tốt hơn sự giàu có trong tương lai.

Ngoài tác động tài chính, kinh tế và tâm lý, vi tín dụng cũng có một vai trò xã hội quan trọng. "Tiền bạc, cũng như phân bón, chỉ sinh lợi khi ta chịu khó rải rắc nó ra", như triết gia Francis Bacon (1561-1626) đã nói, nhưng ngoài việc mang lại lợi lộc vi tin dụng còn đem đến cho mỗi người khả năng thực hiện ước mơ và nắm lấy vận mệnh của minh. Nó dân chủ hoá quyền lực kinh tế và tạo ra một lực lượng thực sự đối trọng với những thái quá của chủ nghĩa tư bản.

Nếu nền dân chủ không chỉ được xác định qua các thể chế chính trị và quyền bỏ phiếu, mà còn bởi quyền của mỗi công dân được tham gia vào những chọn lựa có liên quan đến mình, thì vi tín dụng qua việc mang nguồn vốn đến cho tất cả các tác nhân kinh tế, còn khiến cho quyền làm ăn kinh doanh của họ trở thành hiện thực. Nó là công cụ của nền dân chủ kinh tế.

Điều này có lẽ đã không mấy có ý nghĩa vào thời điểm cách mạng công nghiệp, lúc có yêu cầu các đầu tư lớn lao và những nhà máy vĩ đại, nhưng nó lại thực sự có ý nghĩa trong nền kinh tế mới về dịch vụ, là nền kinh tế cho phép trở lại với các đơn vị sản xuất nhỏ, nơi mà vốn liếng và lao động nằm trong cùng hai bàn tay.

Nếu ta suy nghĩ về tương lai của hành tinh chúng ta, thật khó mà tưởng tượng một nền kinh tế mà chóp đỉnh là những công ty liên quốc gia lớn và đáy thì dựa trên bốn tỷ người nghèo cam chịu sống trong khổ cực vì thiếu đất đai để canh tác, thiếu nước, thiếu dịch vụ tài chính. Toàn cầu hoá là một trao lưu không thể đảo ngược, nhưng nó chỉ có thể phát huy toàn vẹn tiềm năng khi đi đến cùng quá trình này, bằng cách mang đến cho mỗi tác nhân kinh tế cái khả năng được hưởng lợi từ nó.

Đó là mục đích của chiến lược "Tiếp thị ngay dưới chân kim tự tháp", mà mục tiêu từ nay là tiếp cận được thị trường của những người nghèo nhất, nơi có số lượng giao dịch to lớn bù đắp cho số tiền giao dịch thấp của mỗi người. Đấy cũng là mục tiêu của vi tín dụng, cho phép tất cả mỗi người tạo ra công ăn việc làm cho chính mình. Vi tín dụng và kinh doanh xã hội nói chung như thế là những công cụ của một của một chế độ tư bản có tình người và của sự toàn cầu hoá phù hợp với cách nhìn của chúng ta về dân chủ.

Maria Nowak
Bà Nowak là chủ tịch của Hiệp hội Vì Quyền Khởi Xướng Kinh Tế (ADIE). Bà vừa xuất bản quyển sách "Niềm hy vọng về kinh tế", NXB J.C Lattès.

Maria Nowak & Muhammad Yunus
Maria Nowak và Muhammad Yunus

 

Nguồn bài: "Le microcrédit, outil d'une mondialisation juste", nhật báo Le Monde (Pháp), số ra ngày 26 tháng 10, 2010
Nguồn ảnh: http://www.adieconnect.fr/
Bản dịch sang tiếng Việt: Mai Ninh & Marc Giang


Cập nhật ngày Thứ bảy, 30 Tháng 10 2010 17:23