AVNES

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Tháng mười Đồng Tháp

Email In PDF.

 

Tháng Mười Đồng Tháp


     Đường đi Cao Lãnh - Đồng Tháp tháng mười năm nay tuy không khó khăn và dằn xóc bằng chuyến tôi đi Tri Tôn – An Giang một mùa hè trước, nhưng cũng mất thời gian không kém.

     Lần ấy, lên xe khoảng mười hai giờ khuya để kịp đến vùng đất Tri Tôn rạng sáng, trước giờ trẻ con tụ tập, dự buổi khánh thành ngôi trường tiểu học do các anh chị bạn tôi * đã tài trợ xây dựng. Tôi ngỡ mình sẽ ngủ được ít nhất một giấc ngắn trên xe do quá mệt vì vừa từ Campuchia trở lại Sàigòn, nhưng mặc đêm khuya các bạn hãy còn hào hứng nói cười. Mỗi người đều có chuyện để kể và đùa nhau nên tôi nghe vui quá, hết ngủ. Đến khi xe tới Tri Tôn, cách Sàigòn 6 giờ xe hơi chạy đêm, thì hai mi mắt thật khó lòng hé mở. Tuy vậy, cơn buồn ngủ đã bay xa lúc xe vào sân trường, dừng trước các cặp mắt thao láo, tò mò mà vẫn anh ánh vẻ gì sợ sệt của đám trẻ đã có mặt đầy đủ, dù buổi lễ chỉ bắt đầu khoảng một giờ sau. Có lẽ nụ cười đầu ngày của chúng tôi hình như còn vương chút bóng tối của đêm, nên không được đáp lại bao nhiêu.

     Các anh chị lúm xúm khuân các thùng quà vào lớp học sơn vôi xanh da trời sáng mới, rồi vội vã chia ra từng gói cho mỗi học trò. Tôi ngạc nhiên thấy món quà mà hiệu trưởng của trường đã đặt xin trước và cho là thiết thực nhất cho gia đình mỗi em là chiếc mùng rộng - cả nhà sẽ được cùng ngủ trong mùng, tránh muỗi. Và muỗi ở đây thì hẳn là một binh đội hùng mạnh khi sông nước cận kề. Nhìn lưng lưng ra mảnh sân tương đối rộng, nắng trời vừa lên chiếu sáng những mái tóc đen nhánh, những khuôn mặt nhỏ nhít và cánh tay khẳng khiu chuyển dịch lăng quăng. Mắt chạm vào cái cây ở giữa chỉ toả một bóng râm hết sức khiêm nhường. Tôi thắc mắc hỏi một cô giáo trẻ chuyển từ xứ sở Hà Nam Ninh tít mù xa của cô vào đến miền nam cuối nước này, thì được biết trường đã cố trồng cây cho bóng mát nhưng mỗi cây này sống nổi trên nền đất sét cằn. Trong khi đó, mấy đứa bé da nâu hơn đất, chỉ năm, sáu tuổi mà mỗi sáng chân không hay dép cao-su vượt cánh đồng sình lầy ngập ngụa trong mùa nước lớn để đến trường. Chúng từ các làng xa xôi, phải thức dậy bốn, năm giờ sáng đi học, có những trẻ bố mẹ quá nghèo, bữa trưa không có cả nắm xôi, nắm cơm đem theo nên nhịn đói. Các cô giáo khi có tiền thì nấu thêm cơm cho chúng ăn, nhưng nhìn căn chòi của ba bốn cô ở chung trong một góc sân, chìa ra bờ rạch, sàn gỗ gần như ngập trong đất vì chuột đào, thì tôi cũng hiểu những lần ấy chẳng là bao. May thay, mới đây tôi được biết các anh chị ở Đức đã xây cho các cô một căn phòng gạch, tiện nghi hơn. 

     Nơi miền đất lẫn lộn người Miên người Việt này, đám học trò nhỏ bé da càng sạm, tóc càng đen, chúng làm hình dáng những đứa trẻ gốc Việt tôi vừa thấy trên các con thuyền cũ kỹ, dập dềnh đọng trong Biển Hồ - Campuchia thêm ám ảnh. Câu hỏi như thứ ráng chiều nhập nhoà man mác đã lẩn vẩn trong tôi từ khi đến thăm nơi sinh sống của những người tha hương ấy : Đâu là nhà ? Đây có phải là nhà ?

     Chuyến xe đi và về Sàigòn - Tri Tôn đã đưa tôi ngang qua nhiều cây cầu tre hay gỗ trệu trạo mong manh, tuy nhiên thỉnh thoảng giữa những đám dừa nước lao xao gió, trên dòng nước lục, đã xuất hiện bóng các thành cầu bằng bê-tông mà màu sơn cũng trắng như áo đồng phục của lũ trẻ đang bước đến trường hay vừa tan học. Lại chạnh nhớ chương trình ‘‘xoá cầu khỉ’’** của các anh chị bạn thân quen, và thấy thật xa rồi niềm vui của ngày thơ ấu khi được từ thành phố về thôn quê. Thời ấy, hai cánh tay trẻ nhỏ dang ra chênh chao để giữ thăng bằng, nhưng thích thú biết bao khi bước trên mấy cây ‘‘cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi’’ như thế, không ý thức được tai nạn, hiểm nguy lọt sông nào có thể xảy ra. 

     Nhân dịp trở lại Đồng Tháp mùa thu này, tôi đã đến xem một trong các công trình xây cầu đang thực hiện, trước khi làm nhiệm vụ chính đã được hội AVNES ở Pháp giao phó về Vi Tín Dụng ở huyện Cao Lãnh. Một chuyến đi cũng dài chẳng kém vì xe không chạy đêm và con đường vào làng quê tuy không đầy ổ gà, lầy lội như lần Tri Tôn nhưng thật nhỏ hẹp. Ngồi trên xe ai nấy đều cầu mong đừng có xe ba hay bốn bánh chạy ngược chiều với mình. Tôi thì không muốn bận lòng chuyện này nhiều quá, thả mắt theo con đường ven sông phong cảnh yên ả. Bóng cây lung linh mặt nước, nhà cửa hay hàng quán hai bên lổn nhổn cao thấp ra vào, các tấm tôn sơn mấy câu quảng cáo chữ nghĩa lạ lẫm quê mùa, bầy gà tung túc trong sân, cây bưởi cây xoài trĩu đưa cành trái, cùng đàn vịt bầu đủng đỉnh theo nhau xuống bờ nước cạn… thật là bao điều quyến mắt, thu tâm.

     Chị bạn thân thiết giới thiệu tôi đi gặp Hội Liên Hiệp Phụ Nữ (HLHPN) xã Mỹ Long ngại trễ giờ hẹn nên sốt ruột vì đường còn xa. Trước khi đến Mỹ Long, chúng tôi cần ghé vào ngôi nhà thờ xã Định Hoà, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Tôi nghe kể cha xứ nhà thờ tuổi trẻ và mới được cử về vùng này. Đây là một người có công chăm lo không những cho giáo dân mà cả cho dân làng. Cha đã xin tài trợ và quyên góp khắp nơi được một số tiền để trùng tu nhà thờ, công việc đang tiến triển tốt đẹp thì bỗng nhiên cây cầu của xã bị sập, thế là cha quyết định đình chỉ, dồn tiền xây cầu cho dân. Tuy thế, nhà thờ chỉ có 50% số tiền cần thiết nên anh bạn mà tôi được hân hạnh quen biết - trước anh làm kỹ sư ở Pháp, nay về góp công và của vào chuyện ‘‘bỏ cầu khỉ làm cầu bê-tông’’ - đã phải ứng ra một khoản lớn trong khi chờ đợi có người hảo tâm giúp phần tài trợ. Chúng tôi ra thăm, việc xây chính đã xong – một chiếc cầu bằng bê-tông, dài ba mươi chín thước, trông chắc chắn an toàn đẹp đẽ – dân làng đang thi công đổ xi-măng bãi đất hai bên chân cầu. Chẳng cần hỏi han, chỉ nhìn cách họ làm việc hăng hái cũng đủ nhận ra tầm quan trọng của cây cầu đối với đời sống người dân nông thôn.

 

Pont en béton
Cầu xã Định Hoà, huyện Lai Vung, Tỉnh Đồng Tháp

     Từ Định Hoà trở lại Mỹ Long không xa lắm, nhưng chưa đến nơi thì xe nổ bánh nên buổi hẹn với các chị trong HLHPN xã Mỹ Long bị muộn quá giờ. Cũng may các chị và anh chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân (UBND) rất kiên nhẫn đợi chúng tôi. Và dù đã trễ cho bữa cơm trưa, cả hai bên đã có những giới thiệu cùng trao đổi sơ khởi về mục đích chuyến đi này của tôi – đại diện hội AVNES. 

     Sau bữa ăn trong một quán nhỏ đối diện trụ sở UBND, tôi đã trình bày chi tiết hơn với các chị HLHPN và chị phụ trách khối Văn Xã về mục đích và mô hình vi tín dụng mà hội AVNES muốn thực hiện, để giúp cho người dân nghèo các vùng sâu và xa tại Việt Nam có thể tự lực cánh sinh về sau.

HLHPH My Long

Gặp gỡ HLHPN xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, 9 tháng 10, 2008  

     Các chị đã cho biết tình trạng sinh sống của dân cư : trên tổng số 2.448 hộ gia đình (11.378 dân) có khoảng 35% hộ phải sống trong hoàn cảnh cơ cực, thiếu vốn làm ăn buôn bán để sinh nhai. Thu nhập của họ từ hai trăm ngàn đến nhiều nhất là bốn trăm ngàn đồng VN mỗi tháng, cho cả một gia đình. Khi hay Mỹ Long là xã nghèo nhất trong huyện Cao Lãnh thì tôi chẳng mấy ngạc nhiên. Ngồi trên xe vào đến nơi này tôi đã nhác thấy nhà cửa hai bên sơ sài nhỏ bé hơn, vườn tược cây trái cũng thưa thớt so với các làng xã khác, hay với Cái Bè nhiều vựa và trái cây đủ loại vun đầy các ghe. Chúng tôi cũng trao đổi về các hoạt động kinh tế mà người vay vốn vi tín dụng tại đây có thể thực hiện : nuôi heo, nuôi gia cầm, nuôi cá, trồng lúa, trồng trái cây, buôn bán tạp hoá : gạo, dụng cụ làm rẫy. Anh chủ tịch UBND đã muốn thử nghiệm trồng nấm nhưng dân chúng không mấy hưởng ứng vì họ lo rằng không có ‘‘đầu ra’’. Trồng lúa cần ruộng, thứ của cải mà dân nghèo không dám mơ tưởng; còn trồng trái cây lại phải nhiều vốn mới có thể cạnh tranh với các chủ vựa giàu có.     

     Từ quán cơm bước ra, chúng tôi đi ngang ngôi trường tiểu học, những đứa trẻ mặc đồng phục chạy chơi trên mảnh sân nắng rang khiến tôi chợt nhớ lại một ngôi trường Tri Tôn đang xây dở, hai mùa hè trước. Nhớ ba đứa con trai cỡ tám, chín tuổi cong lưng đẩy chiếc xe cút-kít chở cát đã hốt ở sông về, để lấp sân cho đỡ ủng nước, kịp ngày khai trường. Và nhớ bà cụ quấn khăn rằn đang thổi củi nấu cơm trưa cho những người dân trong làng tình nguyện ra công xây cất (vật liệu đã do hội của các anh chị bạn tôi* tài trợ). Ngước ngó tôi, bà thở dài : làm suốt buổi mà đâu đủ cơm vô bụng, bữa nào tui có tiền mua gạo và đồ ăn tui ủng hộ bữa nấy, xây trường thì cũng cho con cháu mọi người ở đây mà cô !

     Chị chủ tịch cho hay trẻ nhỏ Mỹ Long không đi học đầy đủ vì cha mẹ nghèo nên phải ở nhà phụ giúp. Tri Tôn, Mỹ Long ở cuối miền Nam hay Lệ Thuỷ nằm phía bắc miền Trung (Quảng Bình) mà hôm nào tôi đã đến phát quà cho các chị Thanh Niên Xung Phong bị lãng quên, đều có những ngôi trường mà số học trò được hồn nhiên đến lớp chẳng có là bao. Hoàn cảnh đã đành mà lắm khi còn do địa lý. Khi mới xuống xe, một chị trong HLHPN đã ‘‘túm’’ ngay lấy anh bạn chuyên ‘‘xoá cầu khỉ’’ cuả chúng tôi để đặt vấn đề, nếu không muốn nói là ‘‘kèo nài’’. Chị xin anh tìm phương tiện giúp cho dân ở tuốt sâu trong đất này có một cây cầu dài, vì đấy là một vùng bị chia cách với nơi có trường học bằng một rẻo sông quá rộng. Do không thể xây cầu tre qua đó nên từ bấy lâu nay trẻ con không thể vượt sông đi học.

     Tạm xong chuyện vi tín dụng, hội HLHPN và chúng tôi nhắc đến tình trạng đàn bà Mỹ Long, nhiều chị đã vướng vào các căn bệnh phụ nữ, có thể do tắm gội trong nguồn nước bị ô nhiễm. Nước sạch tại các vùng sâu xa này quả là mối quan tâm rất lớn. Tại xã Định Hoà, sơ y sĩ cũng cùng một mối lo khi nói chuyện với anh bạn bác sĩ trong nhóm chúng tôi từ Sàigòn xuống. Nhiều câu hỏi về nguyên nhân được đặt ra, nước sông đã đành nhưng còn nước giếng sao cũng cùng tình trạng ? Nước giếng đã bị nhiễm nước sông ? Và nguyên do vì hoá chất sa thải hay do vi khuẩn ?

     Trước khi chia tay, tôi hỏi chị chủ tịch HLHPN về trình độ học vấn của dân trong xã và nhu cầu văn hoá của phụ nữ ở Mỹ Long. Chị cho hay đa số biết chữ, có thể đọc sách, học lực cấp một hay lên cấp hai, hiện thời HLHPN đã có một thư viện nhỏ. Chị mong muốn được giúp để có thêm sách cần thiết về y học thường thức, phụ nữ và giáo dục gia đình, lịch sử, xã hội và dĩ nhiên cả về văn chương.    

     Trời đã chiều và đường còn xa, tôi ngại làm chậm trễ những anh chị bạn đã bỏ công sức đưa tôi đến tận nơi này nên đành tự hẹn lần tới : Lần tới, mình sẽ yêu cầu được tiếp xúc với dân trong xã, nhất là với những gia đình nằm trong chương trình vi tín dụng mà tôi hi vọng hội AVNES sẽ tiến hành nhanh chóng.  

     Trên đường trở ra con lộ chính, bất giác tiếng gà tre vang lên xao xác cùng một giọng ầu ơ thoảng lại từ chiếc võng mắc trên cái chõng ọp ẹp, trước hiên căn nhà mái lá. Tôi không kịp nhìn thấy con gà lẫn người đàn bà ru con. Nắng trưa đã mất, Mỹ Long dần dần lùi xa, mờ đi sau rặng tre cành bàng và mây trời trĩu nặng như muốn đổ mưa, nhưng những vấn đề của dân trong làng xã ấy thì vẫn rõ ràng, còn đó, và cả trong tôi.     

 

Mai Ninh

Tháng mười, 2008.  

 

 

*Hội VIETHILFE, www.viethilfe.de

**Nhóm VK, http://pontvk.org