AVNES

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size
Trang chủ Hỗ trợ vốn cho dân nghèo ở thị trấn Trảng Bàng - Tây Ninh Giúp vốn Đợt 2 cho 20 hộ dân lao động ở thị trấn Trảng Bàng

Giúp vốn Đợt 2 cho 20 hộ dân lao động ở thị trấn Trảng Bàng

Email In PDF.


Giúp vốn Đợt 2 cho 20 hộ dân lao động ở thị trấn Trảng Bàng


Sau các đợt hỗ trợ vốn cho dân nghèo ở Bến Tre và Bảo Lộc, hội HOPE- MiFi, một lần nữa, đã không quên những người lao dộng sinh sống trong hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Nên vào ngày 25/3/2016 vừa qua, HOPE- MiFi đã tài trợ 200 triệu VNĐ để giúp 20 hộ dân – thuộc Đợt 2 - trong chương trình “Hỗ Trợ Vốn cho vùng ven đô” mà AVNES đã mở ra cho thị trấn Trảng Bàng từ tháng 9/2015.


Đại diện AVNES nói về đề án Hỗ Trợ Vốn với các hộ Đợt 2


Trao đổi với các chủ gia đình, đại diện AVNES được biết họ rất cần được giúp vốn, có khi chỉ vài triệu đồng (≈ 200 – 300 USD) cũng đủ để họ có thể tự tạo một công việc kiếm sống. Ngành nghề của người dân lao động tại thị trấn cũng đa dạng hơn ở thôn quê. Từ thợ sửa xe đến thợ may, chạy xe ôm hay làm bánh, nuôi cá nuôi bò…

Chẳng hạn trường hợp của gia đình chị Trần Thị Liêng, khu phố Lộc An, mà đại diện của Hope - MiFi và AVNES đã đến nhà, nhân chuyến thăm các hộ Đợt 2 vào ngày 13/5/2016, khoảng một tháng rưỡi sau ngày phát vốn.


Trưa nắng, chị Liêng chùi dọn sạch sẽ xe chè trước khi về nghỉ

Với 10 triệu đồng được hỗ trợ, chị Liêng đã mua lại một chiếc xe bán chè với giá rẻ (1,5 triệu đồng). Còn lại chị mua nguyên liệu nấu chè và các phụ tùng cần thiết. Nhìn rổ đựng ly, muỗng và hũ thố đựng chè, dễ nhận ra tính sạch sẽ cũng như sự lưu tâm chu đáo của chị với các khách hàng nhỏ bé của mình. Hoc trò ở mấy ngôi trường lân cận thích ăn chè của chị Liêng, vừa ngon lại rẻ, 5 ngàn một ly.
Cuộc sống tuy cực nhưng chị Liêng cùng chồng (chạy xe ôm) vui và hãnh diện với con trai vừa đoạt Huy Chương Vàng giải thi môn Hóa Học 2015- 2016, tại Tp HCM.


Chị Liêng và con trai Đoàn Ngọc Phước đang học lớp 10, trước nhà anh Nguyễn Văn Thanh. với bằng khen đoạt giải về môn Hóa Học của cháu

 

Hộ anh chị Nguyễn Văn Thanh, khu phố Lộc An, có ao nuôi cá. Nay anh Thanh xin vốn để thử nuôi lươn, với hi vọng lợi tức sẽ khá hơn. Cũng thế, chị Lê Thị Hồng Nguyên ở Lộc Du đã có nghề thợ may nhưng cần có thêm thu nhập cho con học hành nên chị đã dùng vốn Đợt 2 vừa được hỗ trợ để chung với em gái mua một con bò về nuôi trên đồng cỏ sau nhà, cùng với bò của láng giềng.


Chị Kiều Nga - đại diện của Hope- MiFi - và trẻ nhỏ


Đến thăm gia đình chị Hồng Nguyên thợ may, chị dùng vốn nuôi bò


Trong khu phố Gia Huỳnh có hộ chị Đoàn Thị Cẩm Quyên buôn gà và chị Nguyễn Thị Bế làm bánh ngọt. Cả hai chị đều làm việc từ tờ mờ sáng. Người đi mua gà rồi làm đem ra chợ bán, người nhào bột nướng bánh và đi giao tận nhà cho khách. Lò nướng bánh đốt liên tục càng làm tăng cái nóng khó thở dưới mái tôn của căn nhà vợ chồng chị Bế đang thuê, vốn đã hấp hơi trong trời hè hạn hán.


Chị Bế đang cắt phó-mách đặt lên các ổ bánh bông lan


Hai đại diện và chị chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ cùng anh Tiển (áo xanh) trong tiệm làm bố thắng xe hơi của anh

Đến thăm các hộ trên, đều phải vào trong hẻm nhỏ. Chỉ riêng cửa tiệm anh Phạm Hồng Tiển, khu phố Lộc Thành, đang thuê để làm bố thắng xe hơi, là nằm trên đường cái. Với số vốn vừa được hỗ trợ anh Tiển mua thêm dụng cụ, máy móc. Anh hài lòng vì công việc cho phép anh đưa đón hai con đi học, trong khi mẹ chúng là công nhân xưởng may nên hiếm có thời gian chăm sóc con.

Đến tận nơi, tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các hộ dânTrảng Bàng trong chuyến đi này, cho thấy người dân lao động sống bên lề đô thị đều phải “chồng cày vợ cấy” cực nhọc. Đời sống họ luôn đầy những tính toán về sinh kế gia đình và âu lo cho tương lai con cái.

 

Tường thuật: Mai Ninh

 

Cập nhật ngày Chủ nhật, 22 Tháng 1 2017 09:06