AVNES

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size
Trang chủ Hỗ trợ vốn cho người dân tộc tại Bảo Lộc, Lâm Đồng Giúp vốn cho các gia đình người Mạ Thôn Đạ Nghịch – Xã Lộc Châu – Tp Bảo Lộc Đợt 3 - tháng 4, 2014

Giúp vốn cho các gia đình người Mạ Thôn Đạ Nghịch – Xã Lộc Châu – Tp Bảo Lộc Đợt 3 - tháng 4, 2014

Email In PDF.


Đầu buổi chiều ngày 3 tháng 4/2014, chúng tôi, hai đại diện của AVNES đã đến phát vốn hỗ trợ Đợt 3 cho 17 hộ dân nghèo và cận nghèo của thôn Đạ Nghịch, tại nhà trẻ Vành Khuyên. Đây là nơi nhiều người dân trong thôn đem con đến nhờ các sơ chăm sóc trong thời gian họ vào rẫy canh tác.

Dù hãy còn trong mùa nắng gắt, nhưng trong lúc các chị người Mạ ký nhận vốn và trò chuyện với đại diện AVNES đã có một cơn mưa giông đổ mạnh xuống Bảo Lộc, thật bất ngờ. Tuy ngao ngán khi nhìn ra mấy con đường đất dẫn vào thôn phút chốc đã trở nên lầy lội, nhưng rồi chúng tôi đã vui theo với các chị nông dân đang có mặt. Với họ, mưa vốn là ơn trên dành cho vườn cà phê, vườn chè đang oằn khô trong nắng hạn từ bao ngày nay.


AVNES phát vốn hỗ trợ Đợt 3 tại thôn Đạ Nghịch – Bảo Lộc – 3/4/2014

Đeo con đến nhận vốn
Đất vườn và cây cà-phê hay chè của mỗi gia đình thường do ông bà cha mẹ để lại đã nhiều năm. Nên nếu muốn có thu hoạch tốt thì ngoài việc bón phân, cần bỏ cây cũ và trồng giống mới có năng suất cao hơn. Nhưng điều này đòi hỏi một số vốn quá lớn, vượt ngoài khả năng của đa số.

Vào ban ngày, những người có sức, đàn ông lẫn đàn bà, đến rẫy trồng trọt hoặc đi làm mướn : làm hồ, chặt củi, vác gỗ trong rừng… Người ở lại nhà thường là cha mẹ già, trẻ con, người bệnh hay phụ nữ phải nuôi con nhỏ.

Vợ chồng chị Ka Sin lao động trên rẫy, nhà bỏ ngỏ

Mẹ chị Ka Vân (khu 2) ở nhà một mình khi con gái đi hái hạt chè

Với vốn được cấp, gia đình chị Ka Phểu (khu 4) mua phân cho cà- phê và mở quầy tạp hoá trong nhà cho con dâu

Ngoài sử dụng số tiền được hỗ trợ để trồng cà-phê và chè, một số hộ như gia đình Ka Rioh còn dùng mua chó về nuôi để sau đem bán, hay Ka Phếu và Ka Ròi mua chỉ dệt thổ cẩm. Ba hộ này vừa mới nhận vốn Đợt 3.

Chị Ka Phếu (khu 4) dệt chăn và túi xách, tùy theo lượng đặt hàng của khách từ Tp HCM. Cần khoảng 2 tuần để xong một tấm chăn, tiền công là 200.000 đồng/tấm. Những khi có khách cần gấp thì chị chia việc cho các phụ nữ khác trong thôn cùng làm.

Hộ chị Ka Ròi (khu 6) có một con trai bị bệnh tâm thần đã hơn 20 năm. Với 8 triệu đồng vừa được vay, chị sẽ dùng mua phân bón cây và chỉ cho con gái dệt vải nếu còn dư.


Chị Ka Phếu và tấm thổ cẩm dùng làm túi đeo vai

Gia đình chị Ka Ròi với người con trai bị bệnh và chị Ka Thùy (chủ tịch Hội Phụ Nữ) cùng một đại diện của AVNES

Viếng thăm các gia đình thuộc 2 đợt trước lẫn đợt thứ 3 này chúng tôi thấy cuộc sống của hầu hết các hộ ấy thực sự khó khăn, thiếu thốn. Những ao ước giản dị như có cơm ăn hai bữa, các con được đến trường học tập, bố mẹ già được chăm sóc, đối với họ, muốn đạt được cũng khó lòng.

Cố gắng lao động đã đành nhưng chẳng đủ. Tài năng và vận may không dễ gì có. Tuy thế, hai điều này đã đến với hộ chị Nguyễn Thị Bảo Trang (khu 4), một trong số ít gia đình người kinh ở thôn Đạ Nghịch.

Ghé thăm cửa hàng "Đồng hồ gỗ" của vợ chồng anh chị Nguyên -Trang nằm ven quốc lộ 20, chúng tôi được nghe chị Trang kể về ‘‘con đường’’ đã đưa họ từ một hộ thuộc diện nghèo cách đây đúng một năm (nên đã được AVNES hỗ trợ vốn làm ăn vào thời điểm ấy), đến vị trí chủ nhân một cơ xưởng nhỏ chế tạo hàng mỹ nghệ của ngày hôm nay.


Ka Ròi lặt rau rừng để nấu canh

Cửa hàng "Đồng Hồ Gỗ" của vợ chồng anh chị Nguyên -Trang

Trước năm 2013, anh Nguyên đi nhặt củi, khiêng gỗ trên rừng để kiếm sống. Nhân đó, anh đã thấy và khuân về nhà những khúc gỗ có hình dạng lạ lùng, đẹp mắt. Nhờ khéo tay nên anh Nguyên đã tự đẽo gọt chúng và có ý định lắp thêm bộ máy đồng hồ để tạo thành những chiếc đồng hồ trang trí mỹ thuật. Nhưng khi ấy, do hoàn cảnh khó khăn anh không có tiền mua dụng cụ. Vốn hỗ trợ của AVNES đã đến đúng lúc, vào tháng 4/2013, cho anh cơ hội khởi đầu công việc mình mơ ước. Những sản phẩm đầu tiên đã đuợc khách hàng chiếu cố thật mau chóng. Ngay sau đó, nhờ công việc phát triển tốt không ngờ, gây được tiếng tăm tại địa phương nên vợ chồng anh được ngân hàng cho vay tiền để mở một cửa tiệm trên con đường chính của xã Lộc Châu.

Lúc chúng tôi đến thăm cửa hiệu, anh Nguyên đang đi dự triển lãm nơi xa. Chị Trang đã thay chồng quảng cáo các sản phẩm. Trước khi ra về, chúng tôi đã nhờ chị Trang chuyển lời chúc anh Nguyên sẽ sản xuất thêm nhiều đồng hồ có chất lượng và mỹ thuật, để xứng đáng với danh hiệu "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố Bảo Lộc" đã được địa phương bình chọn vào tháng 9/2013.


Sân chứa gỗ, cũng là xưởng ráp đồng hồ của anh Nguyên

Chị Trang đang kể về ‘‘hành trình’’ lập nghiệp của gia đình chị

Chúng tôi cũng nói với chị Trang về mong ước là anh Nguyên sẽ quan tâm đến việc truyền dạy nghề cho giới trẻ, tạo thêm việc làm cho người dân Đạ Nghịch.

Đức Anh & Mai Ninh
(Tháng 4 – 2014)

 

Cập nhật ngày Chủ nhật, 11 Tháng 1 2015 08:33